Ngày 29/4/2021, Bộ TN&MT đã có Văn bản số 2007/BTNMT-VCLCS báo cáo Thủ tướng về việc rà soát, hoàn thiện Dự thảo Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Quá trình rà soát dự thảo Chiến lược
Bộ Tài nguyên và Môi trường đã rà soát, cập nhật Dự thảo Chiến lược theo các quan điểm, mục tiêu, chỉ tiêu, các chủ trương, chính sách của Đảng tại các báo cáo của Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII, cụ thể là: (i) Báo cáo tổng kết thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế- xã hội 10 năm 2011-2020, xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế- xã hội 10 năm 2021-2030 và; (ii) Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2016-2020 và phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021-2025; (iii) Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chủ động rà soát các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp trong Dự thảo Chiến lược đảm bảo phù hợp với các quy định của Luật BVMT 2020.
Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân chỉ đạo cuộc họp rà soát Xây dựng dự thảo Chiến lược Bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050
Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chủ động làm việc cấp Vụ với Bộ Giao thông vận tải (ngày 24/02/2021) và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (ngày 25/02/2021). Sau đó, ngày 12/3/2021, Lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chủ trì cuộc họp chính thức với đại diện Bộ Giao thông vận tải và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để thống nhất về các chỉ tiêu và các nội dung của Dự thảo Chiến lược.
Kết quả rà soát, hoàn thiện Dự thảo Chiến lược
Về quan điểm, mục tiêu, cơ bản các quan điểm và mục tiêu của Dự thảo Chiến lược đã bám sát và phù hợp với các quan điểm, mục tiêu trong Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm 2021-2030 và phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021-2025 theo Văn kiện Đại hội XIII của Đảng.
Về các chỉ tiêu giám sát và đánh giá kết quả BVMT giai đoạn đến năm 2030 của Chiến lược:
Chỉ tiêu “Tỷ lệ diện tích đất bị nhiễm độc bởi tồn dư đi-ô-xin ở sân bay Biên Hòa (Đồng Nai) được xử lý” được thay thế bằng “Tỷ lệ các khu vực ô nhiễm môi trường đất đặc biệt nghiêm trọng được xử lý, cải tạo và phục hồi (%)” để có tính đại diện của quốc gia và phù hợp với quy định tại Điều 19 của Luật BVMT 2020.
Chỉ tiêu “Tỷ lệ che phủ rừng” đến năm 2030 được điều chỉnh từ 42,8% thành giữ ổn định 42% theo như Văn kiện Đại hội XIII của Đảng. Đồng thời bỏ chỉ tiêu “Diện tích rừng ngập mặn” do không có số liệu thống kê chính thức.
Bổ sung chỉ tiêu về Tỷ lệ diện tích các khu bảo tồn biển, ven biển trên tổng diện tích tự nhiên vùng biển quốc gia cho phù hợp với Văn kiện Đại hội XIII và Nghị quyết 36-NQ/TW về phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam.
Rà soát, cập nhật số liệu hiện trạng đến năm 2020 một số chỉ tiêu như Tỷ lệ xã đạt tiêu chí môi trường và an toàn thực phẩm theo tiêu chí nông thôn mới; Tỉ lệ cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng được xử lý; Tỷ lệ cụm công nghiệp (CCN) có hệ thống xử lý nước thải tập trung vận hành đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường; Tỷ lệ che phủ rừng... theo như Báo cáo công tác BVMT năm 2020 của Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Về các nhiệm vụ và giải pháp
Đã bổ sung, cập nhật các nội dung về lồng ghép kinh tế tuần hoàn, bảo đảm khoảng cách an toàn về môi trường, kế hoạch quản lý chất lượng nước mặt, kế hoạch phục hồi các khu vực đất bị ô nhiễm nghiêm trọng, bảo vệ môi trường di sản thiên nhiên, đề án trồng 1 tỷ cây xanh giai đoạn 2021-2025... trong các nhiệm vụ để bảo đảm phù hợp với các quy định của Luật BVMT 2020 và bối cảnh mới.
Đã bổ sung giải pháp xây dựng các văn bản hướng dẫn Luật BVMT 2020 để sớm đưa các chính sách đi vào cuộc sống.
Về các chương trình, đề án trọng điểm của Chiến lược, đã cân nhắc, xem xét và điều chỉnh và bổ sung danh mục các chương trình, đề án trọng điểm của Chiến lược, theo đó, có 11 chương trình, đề án trọng điểm tại mục IV, Điều 1 và Phụ lục 2 của Dự thảo Chiến lược.
Về tổ chức thực hiện Chiến lược
Để phù hợp với quy định của Luật Bảo vệ môi trường 2020, Dự thảo Quyết định phê duyệt Chiến lược đã đề cập đến kế hoạch và nguồn kinh phí thực hiện. Theo đó, lộ trình thực hiện các mục tiêu, chương trình, đề án trọng điểm của Chiến lược được triển khai theo lộ trình tại Phụ lục 1 và Phụ lục 2; nguồn kinh phí thực hiện bao gồm nguồn ngân sách nhà nước, nguồn đầu tư của doanh nghiệp, khu vực tư nhân, cộng đồng và nguồn vốn nước ngoài.
Về phân công trách nhiệm của các Bộ, ngành, Dự thảo cũ đề cập chi tiết nhiệm vụ của từng Bộ, ngành. Tuy nhiên, Luật Bảo vệ môi trường 2020 không phân định rõ trách nhiệm của tất cả các Bộ, ngành mà giao Chính phủ quy định. Vì vậy, để tránh sự sai sót, không thống nhất với Nghị định hướng dẫn sau này, Dự thảo Chiến lược được chỉnh sửa lại với điều khoản về trách nhiệm chung của các Bộ, ngành trong việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của Chiến lược. Đồng thời, làm rõ trách nhiệm đầu mối của Bộ Tài nguyên và Môi trường và phân bổ nguồn lực của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài chính.
Về giám sát và đánh giá việc thực hiện Chiến lược, để phù hợp với Luật BVMT 2020 và giảm bớt thủ tục báo cáo, Dự thảo Chiến lược đã được chỉnh sửa theo hướng quy định các Bộ, ngành và địa phương lồng ghép việc thực hiện Chiến lược trong báo cáo công tác bảo vệ môi trường hàng năm, gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường để tổng hợp.
* Dự thảo Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 tải tại đây.