Thực hiện Công văn 1144-CV/BNCTW ngày 18-8-2014 của Ban Nội chính Trung ương về thực hiện Chỉ thị số 35-CT/TW ngày 26-5-2014 của Bộ Chính trị, Ban cán sự Đảng Bộ Tài nguyên và Môi trường báo cáo kết quả thực hiện Chỉ thị số 35-CT/TW của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo năm 2020.
hứ trường Nguyễn Phương Hoa tiếp công dân định kỳ tại Trụ sở Tiếp công dân của Bộ TN&MT
Kết quả đạt được
Một là, phát huy trách nhiệm của người đứng đầu các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo:
Quán triệt, thực hiện nghiêm túc quy định về những việc đảng viên công chức, viên chức không được làm theo quy định của Đảng và Pháp luật của Nhà nước; Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 22 tháng 4 năm 2019 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc; Công điện số 724/CĐ-TTg ngày 17 tháng 6 năm 2019 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường các biện pháp phòng ngừa tiêu cực, tham nhũng trong hoạt động công vụ.
Ngày 11 tháng 02 năm 2020, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có Chỉ thị số 01/CT-BTNMT về việc siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, tăng cường phòng ngừa tiêu cực, tham nhũng trong hoạt động công vụ. Ban cán sự đảng, Lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường thường xuyên chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc các cơ quan, đơn vị giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo kịp thời, đúng pháp luật. Hàng tháng, Lãnh đạo Bộ, Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ đã trực tiếp tiếp công dân định kỳ và đột xuất theo quy định của pháp luật; trong công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, Bộ đã tổ chức đối thoại, lắng nghe ý kiến của công dân, đồng thời làm việc với chính quyền địa phương, qua đó nắm bắt được nguyện vọng của nhân dân cũng như những vướng mắc của địa phương để đưa ra giải pháp giải quyết dứt điểm các vụ việc.
Hai là, việc kiện toàn tổ chức, đội ngũ cán bộ làm công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo:
Hiện nay, Phòng Tiếp dân và Xử lý đơn thư của Bộ có 08 cán bộ, công chức, trong đó có 07 Thanh tra viên chính và 01 Thanh tra viên, trình độ tốt nghiệp đại học và trên đại học, có đủ năng lực, phẩm chất và am hiểu chính sách, pháp luật, có ý thức trách nhiệm làm công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư và giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân, tổ chức, doanh nghiệp.
Ba là, kết quả tiếp công dân, xử lý đơn thư, giải quyết khiếu nại, tố cáo:
Về công tác tiếp công dân được Bộ tổ chức thực hiện theo đúng quy định. Công dân đến Bộ đều được tiếp, hướng dẫn, xử lý kịp thời theo quy định.
Năm 2020, Bộ phận tiếp công dân đã tiếp 278 lượt với 532 người của 117 vụ việc (có 161 vụ việc cũ và 117 vụ việc mới phát sinh), trong đó có 35 lượt đoàn đông người (258 người). So với năm 2019, số lượt tiếp dân giảm 79 lượt (giảm 22,13 %) và số công dân tiếp giảm 194 người (giảm 26,72 %), đoàn đông người giảm 16 lượt đoàn. Lãnh đạo Bộ tiếp công dân định kỳ 53 lượt với 92 người, trong đó có 9 đoàn đông người (45 người). Cán bộ tiếp 225 lượt với 440 người, trong đó có 26 đoàn đông người (213 người).
Trong năm 2020, phát sinh một số đoàn đông người đến khiếu nại tại trụ sở tiếp công dân của Bộ (như: Ông Ngô Văn Chức và một số hộ dân thôn Đa Hội, xã Hợp Thịnh, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang, khiếu nại quyết định cấp Giấy phép khai thác khoáng sản của Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Giang; bà Ngô Thị Lan và một số hộ dân trú tại số 109, tổ 35, Phường Hoàng Văn Thụ, quận Hoàng Mai, thành phố Hà Nội, đề nghị xử lý sai phạm trong việc thu hồi đất để đầu tư xây dựng bãi đỗ xe công cộng và dịch vụ Đền Lừ; bà Dương Thị Luận và một số hộ dân thôn Quan Độ, xã Văn Môn, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh, khiếu nại Quyết định số 3402/QĐ-UBND ngày 19 tháng 04 năm 2019 của Ủy ban nhân dân huyện Yên Phong; ông Lưu Quý Ngành và một số hộ dân hộ dân thôn 7, xã Vĩnh Phong, huyện Vĩnh Bảo, thành phố Hải Phòng phản ánh về việc Ủy ban nhân dân huyện Vĩnh Bảo vi phạm trong việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho 294 hộ dân thôn 7, thôn 8 xã Vĩnh Phong; ông Nguyễn Đăng Hạnh và một số công dân xã Hoa Đông, huyện Thủy Nguyên, thành phố Hải Phòng, khiếu nại liên quan đến việc bồi thường, hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất của các hộ; bà Vũ Bích Vân và một số hộ dân trú tại phường Vĩnh Trại, thành phố Lạng Sơn, tỉnh Lạng Sơn, khiếu nại Quyết định số 1808/QĐ-UBND-XD ngày 14 tháng 9 năm 2002 của tỉnh Lạng Sơn; ông Nguyễn Văn Mai và một số hộ dân trú tại xã Sơn Hà, huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn, khiếu nại liên quan đến việc thu hồi đất của các hộ).
Ngoài ra, có một số trường hợp cũ, nhiều năm đến Bộ (khiếu nại của một số công dân thôn Yên Xá, xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội, bà Chu Thị Lạc và một số hộ dân phường Cổ Nhuế 1, quận Bắc Từ Liêm, thành phố Hà Nội), đã được Bộ nhiều lần xem xét, giải quyết theo trách nhiệm của mình, đã được Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo giải quyết nhưng chưa dứt điểm. Nội dung khiếu nại công dân đến trình bày chủ yếu liên quan đến việc thu hồi, bồi thường, hỗ trợ về đất; cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và một số trường hợp tố cáo sai phạm của chính quyền địa phương trong quản lý đất đai.
Công tác tiếp công dân được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật. Các trường hợp công dân đến Bộ đều được cán bộ tiếp công dân giải thích, hướng dẫn theo quy định của pháp luật. Đối với các trường hợp khiếu nại đông người, mặc dù đã được Bộ xem xét, giải quyết và Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo giải quyết, cán bộ vẫn tiếp, nghe công dân trình bày để tham mưu cho Lãnh đạo Bộ tiếp tục xử lý, có văn bản đề nghị địa phương xem xét, giải quyết.
Về công tác tiếp nhận, xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo, trong năm 2020, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tiếp nhận được 3.840 lượt đơn khiếu nại, tố cáo, tranh chấp đất đai; trong đó đơn thuộc lĩnh vực đất đai là 3.658 đơn (chiếm 95,26 %) tổng số đơn nhận được (còn lại thuộc lĩnh vực môi trường và khoáng sản). So với năm 2019, số lượng đơn gửi đến Bộ tăng 312 đơn, tuy nhiên, số vụ việc giảm 12 vụ việc.
Trong 3.840 lượt đơn nêu trên, có 2.019 đơn trùng, không đủ điều kiện xử lý (chiếm 52,58 %). Số đơn đủ điều kiện xử lý là 1.821 gồm có: 23 vụ việc Thủ tướng Chính phủ giao; 26 vụ việc thuộc thẩm quyền và trách nhiệm giải quyết của Bộ; 02 vụ việc đã có quyết định giải quyết cuối cùng và 23 vụ việc đã có quyết định giải quyết lần hai của địa phương; 1.747 vụ việc đang thuộc thẩm quyền giải quyết của địa phương (chiếm 96,0 % số vụ việc).
Về công tác xử lý đơn khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền, số vụ việc Thủ tướng Chính phủ giao mà Bộ Tài nguyên và Môi trường phải giải quyết là 34 vụ việc (trong đó có 11 vụ việc đã thẩm tra, xác minh từ năm 2019 chuyển sang), Bộ đã thành lập Đoàn công tác thẩm tra, xác minh 31/34 vụ việc. Đến nay, Bộ đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ 19 vụ việc, trong đó: 10 vụ việc khiếu nại sai và 09 vụ việc khiếu nại đúng.
Đối với vụ việc thuộc thẩm quyền, trách nhiệm của Bộ: Số vụ việc phải giải quyết là 49 vụ việc (trong đó có 23 vụ việc năm 2019 chuyển sang), Bộ đã thành lập Đoàn công tác thẩm tra, xác minh 46/49 vụ việc, đến nay đã có quyết định giải quyết 32 vụ việc, trong đó: 06 vụ việc khiếu nại đúng; 21 vụ việc khiếu nại sai và 05 vụ việc đình chỉ giải quyết do công dân rút đơn khiếu nại.
Ngoài ra, trong năm 2020 Bộ cử cán bộ tham gia Đoàn liên ngành do Thanh tra Chính phủ chủ trì giải quyết vụ việc khiếu nại tại tỉnh Thanh Hóa (01 vụ việc), tỉnh Khánh Hòa (02 vụ việc), tỉnh Kiên Giang (02 vụ việc), tỉnh Sóc Trăng (02 vụ việc), tỉnh Bình Dương (01 vụ việc), chuẩn bị và tham gia buổi đối thoại với các hộ dân thuộc 5 khu phố 3 phường thuộc Khu đô thị mới Thủ Thiêm.
Công tác xử lý thông tin qua đường dây nóng, trong năm 2020, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tiếp nhận 1.123 thông tin; có 116 thông tin trùng; hướng dẫn trực tiếp 580 thông tin, ban hành 427 văn bản yêu cầu các địa phương kiểm tra, xử lý theo quy định và báo cáo kết quả về Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Việc thực hiện rà soát, giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, tồn đọng, kéo dài theo Quyết định 1849/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Kế hoạch số 363/KH-TTCP của Thanh tra Chính phủ, Bộ đã có văn bản đề nghị Thanh tra Chính phủ đưa vụ việc bà Trần Thị Hồng (tỉnh Nghệ An) vào danh sách các vụ việc tồn đọng, kéo dài theo Kế hoạch 363/KH-TTCP ngày 20 tháng 3 năm 2019 của Thanh tra Chính phủ. Bộ tiếp tục rà soát các vụ việc đã có quyết định giải quyết có hiệu lực thi hành của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh (tỉnh Hòa Bình 01 vụ việc).
Bốn là, kết quả việc chấn chỉnh, khắc phục những mặt yếu kém, sơ hở trong công tác quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường
Năm 2020, các đơn vị trực thuộc Bộ đã triển khai thực hiện 115 cuộc thanh tra, kiểm tra (giảm 09 cuộc so với năm 2019); trong đó có 56 cuộc thanh tra, kiểm tra đột xuất (bằng 49% số cuộc thanh tra, kiểm tra đã thực hiện) đối với 461 tổ chức (giảm 319 tổ chức so với năm 2019); trong đó có 02 cuộc thanh tra, kiểm tra hành chính, 02 cuộc thanh tra kết hợp và 111 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành. Thực hiện 22 cuộc kiểm tra việc thực hiện kết luận thanh tra và tổ chức giám sát hoạt động của các đoàn thanh tra theo quy định. Qua thanh tra, kiểm tra đã xử phạt vi phạm hành chính đối với 106 tổ chức với tổng số tiền là 17 tỷ 234 triệu đồng.
Công tác đôn đốc, xử lý sau thanh tra, Bộ đã tổ chức 22 Đoàn kiểm tra việc thực hiện kết luận thanh tra việc chấp hành pháp luật về tài nguyên và môi trường và tổ chức các đoàn giám sát hoạt động của đoàn thanh tra theo quy định.
Qua thanh tra đã phát hiện xử lý các hành vi vi phạm pháp luật, đồng thời kiến nghị chấn chỉnh khắc phục các bất cập, sơ hở trong công tác quản lý Nhà nước và hệ thống văn bản quy phạm pháp luật. Kết quả thanh tra đã đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu phòng ngừa vi phạm pháp luật, tham nhũng, lãng phí.
Năm là, kết quả công tác xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật nhằm khắc phục những sơ hở, mâu thuẫn, chồng chéo.
Bộ đã chủ động, kịp thời xây dựng và hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật, tạo hành lang pháp lý khá đồng bộ cho công tác quản lý, sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường, nhất là các quy định pháp luật về đất đai là lĩnh vực phát sinh nhiều khiếu nại, tố cáo của công dân và Luật Bảo vệ môi trường.
Trong năm 2020, Bộ đã xây dựng, trình Luật Bảo vệ môi trường và đã được Quốc hội thông qua ngày 17 tháng 11 năm 2020. Hiện nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang tổng kết, đánh giá, xây dựng Luật Đất đai sửa đổi.
Đánh giá
Về ưu điểm, lãnh đạo Bộ luôn chủ động tổ chức đối thoại với công dân, doanh nghiệp để lắng nghe ý kiến cũng như làm việc với chính quyền địa phương để nắm bắt được nguyện vọng của nhân dân, những vướng mắc của địa phương để có giải pháp tháo gỡ, tổ chức hòa giải, vận động công dân, doanh nghiệp rút đơn khiếu nại và giải quyết dứt điểm vụ việc.
Công tác tiếp công dân được duy trì thường xuyên, Lãnh đạo Bộ đã trực tiếp tiếp công dân định kỳ và đột xuất theo quy định của Luật Tiếp công dân, nhất là các trường hợp đông người, bức xúc, phức tạp, kéo dài.
Công tác thanh tra đã phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật của các đối tượng được thanh tra, đồng thời kiến nghị chấn chỉnh khắc phục các bất cập, sơ hở trong công tác quản lý Nhà nước và hệ thống văn bản quy phạm pháp luật; kết quả thanh tra đã đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu về phòng ngừa, ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật.
Phối hợp tích cực với các cơ quan Trung ương và địa phương trong công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo. Thường xuyên kiểm tra, rà soát, giải quyết các vụ việc tồn đọng, kéo dài. Nhiều địa phương đã chủ động có văn bản hoặc trực tiếp làm việc với Bộ để trao đổi, xin ý kiến về các vướng mắc trong giải quyết vụ việc phức tạp, tạo sự đồng thuận trong giải quyết, góp phần ổn định an ninh, trật tự xã hội.
Công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật, nhất là pháp luật về tài nguyên và môi trường luôn được Bộ quan tâm, triển khai. Thông qua công tác này, nhiều công dân đã hiểu và tự chấp hành quyết định có hiệu lực pháp luật của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Tuy nhiên, vẫn còn tình trạng người dân, doanh nghiệp chưa thực sự hài lòng về chất lượng dịch vụ công; còn chậm, muộn trong giải quyết thủ tục hành chính; công tác tiếp nhận, hướng dẫn, giải quyết khiếu nại, các kiến nghị, vướng mắc về cơ chế, chính sách, thủ tục còn chưa thật kịp thời, kéo dài thời gian cho người dân, doanh nghiệp. Nguyên nhân chính là do ý thức chấp hành kỷ luật, kỷ cương, tinh thần phục vụ, đạo đức công vụ của một số công chức, viên chức còn chưa hết trách nhiệm; công tác thanh tra, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện nhiệm vụ ở một số đơn vị, địa phương còn chưa được coi trọng, quan tâm đúng mức; việc phát hiện, xử lý vi phạm chưa nghiêm, chưa kịp thời.
Một số địa phương chưa tập trung xử lý dứt điểm hoặc chậm xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo, chậm ban hành văn bản giải quyết nên tỷ lệ đơn thư công dân gửi đơn vượt cấp lên các cơ quan Trung ương vẫn còn cao (loại đơn này chiếm khoảng trên 65% số đơn, thư mà Bộ nhận được).
Một số vụ việc phức tạp, hồ sơ tài liệu lưu giữ ở địa phương không đầy đủ, hiện trường vụ việc đã bị thay đổi nên khó khăn trong việc thu thập chứng cứ, xác minh, làm rõ các nội dung liên quan. Bên cạnh đó có vụ việc còn nhiều ý kiến, quan điểm khác nhau giữa các cơ quan Trung ương với nhau và giữa cơ quan Trung ương với địa phương, dẫn đến việc chậm ban hành văn bản giải quyết. Công tác giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo là công việc có tính chất đột xuất, nên không thể chủ động trong việc bố trí lực lượng đi giải quyết đúng thời hạn.
Lực lượng cán bộ làm công tác thanh tra tại Bộ còn hạn chế về số lượng, thiếu trang thiết bị, bên cạnh việc thực hiện nhiệm vụ theo kế hoạch, nhiệm vụ đột xuất, còn phải tham gia các đoàn công tác liên ngành do các bộ, ngành khác chủ trì nên nhiều vụ việc xử lý chậm tiến độ.
Một số đơn vị chưa thực sự chú trọng đến công tác tổng kết, rút kinh nghiệm sau thanh tra, kiểm tra, chưa quan tâm đến công tác tổng hợp, báo cáo, dẫn đến việc chậm trễ báo cáo định kỳ và chất lượng báo cáo không đáp ứng được yêu cầu. Việc kiểm tra, theo dõi, đôn đốc việc thi hành các quyết định giải quyết của Bộ đã có hiệu lực pháp luật tại một số địa phương chưa thực sự tốt, vẫn còn tình trạng công dân gửi đơn đến Bộ trình bày quyết định giải quyết có hiệu lực nhưng chưa được địa phương thi hành theo quy định.
Một số vụ việc đã được cơ quan chức năng giải quyết hết thẩm quyền, đúng pháp luật, đã rà soát nhiều lần, nhưng công dân vẫn tiếp tục gửi đơn đến nhiều cấp hoặc sau khi khiếu nại không được chấp nhận đã chuyển sang tố cáo.
Phương hướng, giải pháp thực hiện năm 2021
Để thực hiện tốt Chỉ thị số 35-CT/TW ngày 26-5-2014 có hiệu quả, Ban cán sự đảng Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp tục tăng cường chỉ đạo và thực hiện nghiêm túc nhiệm vụ nêu trong Chỉ thị, trong đó tập trung vào các nhiệm vụ sau:
Quán triệt cấp ủy đảng, Thủ trưởng đơn vị trực thuộc thực hiện nghiêm các chủ trương, chính sách pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; giải quyết cơ bản các vụ việc thuộc thẩm quyền và trách nhiệm của Bộ.
Rà soát, sửa đổi, bổ sung các nội quy, quy chế, quy trình giải quyết công việc đảm bảo khoa học, hiệu quả, rút ngắn tối đa thời gian thi hành công vụ. Quán triệt các đơn vị trực thuộc Bộ thường xuyên tổng hợp các bất cập, vướng mắc trong quá trình thực hiện nhiệm vụy để đề xuất chỉnh sửa, bổ sung cho phù hợp với tình hình thực tế.
Kịp thời trả lời văn bản xin ý kiến của địa phương về các vướng mắc trong áp dụng chính sách, pháp luật. Chủ động cử đoàn công tác về địa phương phối hợp rà soát, thống nhất giải quyết các vụ việc đông người, phức tạp, kéo dài, các vụ việc có nguy cơ trở thành điểm nóng và các vụ việc địa phương còn có quan điểm khác nhau.
Chỉ đạo các đơn vị chủ động, linh hoạt trong việc bố trí, sắp xếp con người và nguồn lực cho công tác thanh tra, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo tương xứng với khối lượng nhiệm vụ thực tế phát sinh và yêu cầu công tác quản lý nhà nước của Bộ; tập trung bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, tu dưỡng đạo đức cho cán bộ làm công tác thanh tra, kiểm tra đáp ứng với những thay đổi của chính sách và tiêu chuẩn của cán bộ làm công tác thanh tra.
Yêu cầu các đơn vị tăng cường trao đổi và chia sẻ thông tin, giải quyết những vấn đề phát sinh trong thực tiễn với địa phương; sẵn sàng hỗ trợ địa phương trong quá trình triển khai các cơ chế, chính sách, pháp luật và giải quyết, tháo gỡ khó khăn cũng như những vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư, thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo.
Tập trung giải quyết các vụ việc Thủ tướng Chính phủ giao và các vụ việc thuộc thẩm quyền, trách nhiệm, phấn đấu đạt tỷ lệ trên 90% đối với các vụ việc mới phát sinh. Tiếp tục tăng cường tổ chức đối thoại với công dân, doanh nghiệp, tổ chức hòa giải từ cơ sở, kiểm tra, rà soát, giải quyết dứt điểm các vụ việc tồn đọng, phức tạp, kéo dài.
Tăng cường công tác quản lý, công tác thanh tra, kiểm tra, đánh giá việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của công chức, viên chức; bố trí người có đủ phẩm chất đạo đức, năng lực chuyên môn nghiệp vụ đảm nhiệm các vị trí nhạy cảm, thường xuyên tiếp xúc với người dân, doanh nghiệp; thực hiện nghiêm việc xử lý kỷ luật đối với cá nhân vi phạm; nghiêm túc tổ chức công khai xin lỗi người dân, doanh nghiệp khi để chậm, muộn giải quyết thủ tục hành chính theo quy định./.