Thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII, việc xã hội hóa, tách cung ứng dịch vụ công và quản lý sản xuất, kinh doanh ra khỏi chức năng quản lý nhà nước; đẩy mạnh cải cách hành chính, tinh giản biên chế gắn với cải cách công vụ, công chức, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí tại Bộ TN&MT đạt nhiều kết quả quan trọng.
Xã hội hóa, tách cung ứng dịch vụ công và quản lý sản xuất, kinh doanh ra khỏi chức năng quản lý nhà nước
Thực hiện nhiệm vụ “Đẩy mạnh xã hội hoá, tách cung ứng dịch vụ công và quản lý sản xuất kinh doanh ra khỏi chức năng quản lý nhà nước nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan quản lý nhà nước” nêu tại Nghị quyết số 25/NQ-CP, Bộ đã có văn bản số 4343/BTNMT-TCCB ngày 14/8/2018 gửi các địa phương đề nghị rà soát, đánh giá các TTHC lĩnh vực TN&MT đang thực hiện, đồng thời đề xuất danh mục các TTHC có thể chuyển giao cho các doanh nghiệp, tổ chức xã hội đảm nhiệm; tiến hành điều tra, khảo sát việc cung cấp dịch vụ công tại một số địa phương và các Tổng cục, Cục trực thuộc Bộ; tổ chức hội thảo về thực trạng cung cấp dịch vụ công của Ngành TN&MT và thực trạng năng lực của các tổ chức, cơ quan, đơn vị cung ứng dịch vụ hành chính công của các lĩnh vực thuộc Ngành TN&MT.
Trên cơ cở những đề xuất của các địa phương, đơn vị, Bộ tiếp tục làm việc, trao đổi, thảo luận, rà soát danh mục TTHC của Ngành, và đã xây dựng một số nguyên tắc chuyển giao cụ thể như sau:
Không phải là các dịch vụ, nhiệm vụ gắn liền với chức năng quản lý nhà nước hoặc bí mật, tài sản quốc gia.
Là nhiệm vụ, dịch vụ có hồ sơ thủ tục hành chính đơn giản, không phức tạp.
Việc chuyển giao các nhiệm vụ, dịch vụ công hành chính sang các tổ chức xã hội, doanh nghiệp đảm nhiệm không làm ảnh hưởng đến chức năng, nhiệm vụ chính của các cơ quan quản lý nhà nước.
Từ các nguyên tắc trên, Bộ đã thống kê một số các dịch vụ, TTHC có thể chuyển sang cho doanh nghiệp, tổ chức xã hội thực hiện (tại Phụ lục kèm theo). Đồng thời, Bộ dự kiến sẽ đề xuất chuyển giao một số TTHC trong lĩnh vực môi tường liên quan đến chứng nhận nhãn sinh thái và sản phẩm thân thiện với môi trường sang các tổ chức xã hội, doanh nghiệp đảm nhiệm trong quá trình xây dựng các văn bản quy định chi tiết Luật Bảo vệ môi trường năm 2020.
Đẩy mạnh cải cách hành chính (CCHC), trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính (TTHC)
Công tác CCHC, trọng tâm là cải cách TTHC của Bộ đã được Ban Cán sự đảng, Lãnh đạo Bộ xác định là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt để lãnh đạo, chỉ đạo với quyết tâm cao; cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của Bộ, của Ngành đã nhận thức được ý nghĩa, vai trò của CCHC và tập trung tham mưu, chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện. Qua đó, trong 05 năm qua, công tác cải cách TTHC có bước chuyển biến mạnh mẽ, đơn giản hóa, công khai, minh bạch tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp, đáp ứng mục tiêu cải cách mà Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã đề ra.
Đã cắt giảm 1/2 - 1/3 thời gian thực hiện thủ tục khi thực hiện các giao dịch về quyền sử dụng đất, quyền tài sản trên đất, chỉ số Đăng ký quyền sở hữu, sử dụng tài sản (một trong 10 chỉ số để đánh giá môi trường kinh doanh) có sự chuyển biến mạnh mẽ, đứng thứ 60/190 quốc gia được đánh giá. 100% các huyện trên cả nước đã ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý hồ sơ địa chính, quản lý đất đai ở các mức độ khác nhau, trong đó có 182/713 đơn vị hành chính cấp huyện trên 46 tỉnh/thành phố đang vận hành, quản lý khai thác, sử dụng đồng bộ cơ sở dữ liệu đất đai để phục vụ công tác quản lý nhà nước về đất đai trên địa bàn. Bên cạnh đó, Bộ đã thực hiện thí điểm kết nối liên thông điện tử giữa cơ quan thuế và cơ quan đăng ký đất đai.
Bộ đã triển khai thực hiện tiếp nhận và giải quyết TTHC tại Văn phòng một cửa; thực hiện liên thông giải quyết 11 TTHC thuộc 03 lĩnh vực: môi trường, tài nguyên nước và biển, hải đảo với 09 quy trình giải quyết TTHC. Trong quá trình sửa đổi các VBQPPL, Bộ đã lồng ghép, tích hợp một số TTHC (lĩnh vực môi trường), lồng ghép TTHC (lĩnh vực môi trường) với TTHC trong lĩnh vực xây dựng (Nghị định số 40/2019/NĐ-CP ngày 13/5/2019 của Chính phủ); thực hiện TTHC liên thông dọc giữa Trung ương và địa phương (lĩnh vực đo đạc, bản đồ và thông tin địa lý). Đã thực hiện đơn giản hóa 80,1% thủ tục hành chính, bãi bỏ, thay thế 62,6% điều kiện đầu tư kinh doanh, rà soát cắt giảm 50% số mặt hàng thuộc danh mục kiểm tra chuyên ngành.
Bộ đã xây dựng, ban hành và tổ chức triển khai 24 quy trình nội bộ giải quyết TTHC cấp Bộ trong lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý thuộc thẩm quyền của Bộ. Các Quyết định số 2482/QĐ-BTNMT ngày 27/9/2019, Quyết định số 1605/QĐ-BTNMT ngày 21/7/2020 và Quyết định số 3113/QĐ-BTNMT ngày 31/12/2020; 06 quy trình nội bộ giải quyết TTHC cấp Tổng cục tại Quyết định số 1418/QĐ-TCMT ngày 19/11/2020.
Các quy trình nội bộ giải quyết thủ tục được đơn giản hóa, đảm bảo khoa học, rõ trách nhiệm của từng khâu, từng đơn vị gắn với thực hiện cung cấp dịch vụ công (DVC) trực tuyến đối với 107 DVC thuộc thẩm quyền của Bộ (Trong đó, có 53 DVC mức độ 3, 54 DVC mức độ 4, đạt khoảng 50,4% (trong đó 01 DVC kết nối liên thông đến địa phương và 05 DVC kết nối liên thông với Hệ thống hải quan một cửa quốc gia)); thực hiện cung cấp dịch vụ công mức độ 4 đối với khoảng 50,9% thủ tục hoàn thành yêu cầu của Chính phủ tại Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 01/01/2020; cơ bản hoàn thành trước 12 tháng các chỉ tiêu Nghị quyết số 17/NQ-CP của Chính phủ đặt ra trong giai đoạn 2019-2020; Cổng Dịch vụ công trực tuyến của Bộ đã kết nối, tích hợp với Hệ thống dịch vụ thanh toán điện tử VNPay, dùng chung hệ thống thanh toán trực tuyến của Cổng Dịch vụ công Quốc gia.
Với những kết quả thực hiện nêu trên, Chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX) năm 2019 của Bộ đạt 84,78/100 điểm (xếp thứ 7 trên tổng số 17 các bộ, cơ quan ngang bộ), tăng 9 bậc so với năm 2016. Chất lượng cung cấp DVC cho người dân, doanh nghiệp của Ngành theo đánh giá của các tổ chức độc lập tiếp tục có sự chuyển biến mạnh mẽ; chỉ số tiếp cận đất đai (một trong những chỉ số khó cải thiện do tính khan hiếm của đất) đạt 6,86 điểm tăng 1,05 điểm so với năm 2016; chỉ số hài lòng về dịch vụ cấp GCN tăng 13% so với năm 2016; tỷ lệ phản ánh có tiêu cực trong thực hiện thủ tục cấp giấy chứng nhận giảm 34% so với năm 2015; chỉ số hài lòng đối với sự phục vụ trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường (SIPAS) tăng đều hằng năm.
Thực hiện đúng mục tiêu và có hiệu quả việc tinh giản biên chế gắn với tiếp tục đẩy mạnh cải cách chế độ công vụ, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức theo Nghị quyết số 39-NQ/TW
Bộ đã quyết liệt, tập trung chỉ đạo thực hiện đúng mục tiêu và có hiệu quả Chương trình hành động của Bộ thực hiện chính sách tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức (Chương trình hành động của Bộ thực hiện chính sách tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức được ban hành theo Quyết định số 1772/QĐ-BTNMT ngày 06/7/2015 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, trong đó đã xây dựng kế hoạch, nhiệm vụ và phân công thực hiện cụ thể nhằm đạt được mục tiêu đến năm 2021 phải giảm được tối thiểu 10% biên chế công chức, 10% biên chế viên chức và 10% số hợp đồng lao động theo Nghị định số 68/2000/NĐ-CP so với số được giao năm 2015, ngoài ra đối với các đơn vị có nguồn thu sự nghiệp, khuyến khích đẩy mạnh chuyển đổi thêm tối thiểu 10% số lượng viên chức đang hưởng lương từ ngân sách sang hưởng lương từ nguồn thu sự nghiệp); Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 17/4/2015 của Bộ Chính trị, các nghị định, nghị quyết của Chính phủ về chính sách tinh giản biên chế gắn với việc tiếp tục đẩy mạnh cải cách chế độ công vụ, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ; xây dựng và tổ chức thực hiện Đề án tinh giản biên chế giai đoạn 2015 - 2021 của Bộ và của các đơn vị trực thuộc Bộ. Ngày 18/12/2017, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành Quyết định số 3222/QĐ-BTNMT về việc phê duyệt Đề án tinh giản biên chế giai đoạn 2015 - 2021 của Bộ và của các đơn vị.
Kết quả thực hiện, từ năm 2015 đến nay, Bộ đã thực hiện cắt giảm 86 biên chế công chức (mặc dù Trung tâm Khí tượng Thủy văn quốc gia được chuyển đổi mô hình tổ chức thành Tổng cục nhưng chưa được chuyển đổi biên chế sự nghiệp thành biên chế công chức); thức hiện tinh giản biên chế đối với 552 công chức, viên chức và người lao động theo Nghị định số 68/2000/NĐ-CP; từ 30/6/2017 đến nay, có thêm 16 đơn vị sự nghiệp chuyển từ tự đảm bảo một phần chi thường xuyên sang tự đảm bảo toàn bộ chi thường xuyên, theo đó số lượng người làm việc trong đơn vị sự nghiệp công lập đang hưởng lương từ ngân sách chuyển sang hưởng lương từ nguồn thu tự chủ là 2844 người.
Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong chỉ đạo, điều hành, giảm thời gian, chi phí hội, họp, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí
Tạo lập môi trường điện tử phục vụ quản lý, chỉ đạo, điều hành: đã tích cực triển khai trong nhiều năm, thực hiện nhiệm vụ ứng dụng CNTT, thay đổi phương thức chỉ đạo, điều hành trên môi trường điện tử, đã đem lại hiệu quả rất lớn trong thực hiện công vụ, giải quyết công việc, cải cách hành chính và tiết kiệm kinh phí. Từ tháng 9/2017 Bộ thực hiện việc chỉ đạo, điều hành và xử lý công việc (không mật) hoàn toàn trên môi trường mạng. Hệ thống Quản lý văn bản và hồ sơ điện tử Bộ (tại địa chỉ hscv.monre.gov.vn), tích hợp giải pháp dịch vụ ký số, đáp ứng đầy đủ các chức năng, nghiệp vụ kết nối liên thông với Trục liên thông văn bản quốc gia, tỷ lệ văn bản điện tử gắn với chữ ký số của Bộ cơ bản đạt 98-100%. Hệ thống được đánh giá cao và được Hội truyền thông số Việt Nam trao giải thưởng Chuyển đổi số Việt Nam 2019 - Hạng mục Cơ quan nhà nước chuyển đổi số xuất sắc.
Bộ đã xây dựng và đưa vào vận hành Trung tâm điều hành thông minh (từ tháng 6/2020). Đây là một trong những giải pháp tích hợp kết nối với nhiều hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu quan trọng khác của Bộ và ngành TN&MT như: Hệ thống quản lý văn bản và hồ sơ điện tử, hệ thống quản lý kết quả nhận và giải quyết thủ tục hành chính, cơ sở dữ liệu cán bộ công chức, viên chức; hệ thống hội nghị trực tuyến; hệ thống họp thông minh nhất là hệ thống quan trắc tự động trên toàn quốc… để hỗ trợ công tác chỉ đạo điều hành của Bộ.
Thực hiện triệt để họp không giấy tờ, các tài liệu, văn bản là dạng điện tử (trừ văn bản mật), cung cấp đến tất cả các thành viên họp; bảo đảm hạ tầng, thúc đẩy họp, làm việc trên môi trường trực tuyến với các hội nghị của Bộ, triển khai rộng rãi với tất cả các cuộc họp của các đơn vị thuộc Bộ. Các cuộc họp tiếp tục được thực hiện theo hình thức không giấy tờ. Hệ thống thông tin báo cáo đã được xây dựng và sẽ thực hiện kết nối dữ liệu từ các địa phương phục vụ công tác chỉ đạo điều hành. Bộ đã hoàn thành đưa vào sử dụng Trung tâm điều hành tích hợp hạ tầng dữ liệu của Bộ, của ngành; kết nối dữ liệu quan trắc phục vụ quá trình phân tích, xây dựng các chủ trương chính sách, điều hành ra quyết định của Lãnh đạo Bộ; làm nền tảng để ngành TN&MT đóng góp cho phát triển nền kinh tế số, Chính phủ số, đáp ứng yêu cầu của người dân, doanh nghiệp. Triển khai phát triển các ứng dụng trực tuyến để tổ chức các cuộc họp, làm việc, xây dựng văn phòng thông minh, văn phòng không giấy tờ.
Đã góp phần nâng cao được hiệu quả, hiệu lực, kịp thời trong làm việc, hội thảo, tham vấn, góp ý kiến, nâng cao chất lượng, hiệu quả thời, giảm thiểu thời gian, chi phí, là thực chất thực hiện cải cách hành chính, đơn giản hóa thủ tục hành chính.
Trong bối cảnh ảnh hưởng của Dịch Covid 19, Ban Cán sự đảng đã tổ chức họp trực tuyến; đồng thời có văn bản chỉ đạo các đơn vị trực thuộc triển khai ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong công tác quản lý, chỉ đạo điều hành, giảm giấy tờ trong điều hành, hiện đại hóa nền hành chính, đẩy mạnh các hoạt động chỉ đạo, điều hành, tổ chức các cuộc họp, làm việc bằng hình thức trực tuyến (Công văn số 635-CV/BCSĐTNMT ngày 17/3/2020 của Ban Cán sự đảng Bộ TN&MT về việc đẩy mạnh các hoạt động chỉ đạo, điều hành, tổ chức các cuộc họp, làm việc bằng hình thức trực tuyến.).